Những lưu ý quan trọng khi setup sự kiện trong mùa mưa

Những lưu ý quan trọng khi setup sự kiện trong mùa mưa

 

Mùa mưa sắp đến, mặc dù trong thời gian này chúng ta sẽ “nghỉ chơi” dưỡng sức hơi lâu, nhưng hãy cùng lưu lại những kiến thức bổ ích này để sẵn sàng ngày trở lại nhé!

“Hôm bữa giờ, anh Bánh Bao có nhận được mấy câu hỏi liên quan đến setup nhà bạt outdoor trong điều kiện thời tiết đang vào cao điểm mùa mưa, cần lưu ý đặc biệt về cái gì… Anh Bánh Báo mình tính giải thích trong bữa workshop sắp tới nhưng mình sợ mấy bạn đặt câu hỏi lại không đến (ahihi!), và mình cũng muốn chia sẻ rộng rãi nên viết thành 1 bài để anh em làm nghề tham khảo nhen.

Anh em thân mến, bỏ qua các yếu tố chuyên môn về setup sân khấu dùng ván gì, dầy bao nhiêu ly, dùng cái gì trải thảm… nhà bạt khẩu độ ngang bao nhiêu, cao lên bao nhiêu blabla… Trong bài viết này, mình chỉ nêu lên 5 điểm theo mình là chính-yếu-quan-trọng, 5 điểm này nếu không hiểu CÓ THỂ GÂY TỔN THẤT VỀ

 

 

 

 

CON NGƯỜI CỰC LỚN:

1. Cần có cột thu lôi nếu setup nhà bạt hoặc sân khấu nơi trống trải và không có cái gì cao hơn cái đỉnh của nhà bạt hoặc sân khấu

2. Cần gia cố kỹ, đóng cọc căng cáp hoặc có tank nước làm đối trọng níu giữ kết cấu sân khấu / nhà bạt. Nhà bạt / sân khấu làm outdoor vào mùa mưa bão không nên cao quá 15m.

3. Xem dự báo thời tiết (phương pháp khoa học) / hỏi người dân sống gần khu vực tổ chức sự kiện (phương pháp dân gian)

4. Khảo sát địa điểm tổ chức kỹ nếu làm sự kiện outdoor trong mùa mưa

5. Huấn luyện nhân sự về việc phòng tránh bị sét đánh khi làm outdoor mùa mưa

 

Mình bắt đầu đi từng cái nhé ..

1. Cần có cột thu lôi nếu setup nhà bạt hoặc sân khấu nơi trống trải và không có cái gì cao hơn cái đỉnh của nhà bạt hoặc sân khấu??
Thu lôi = thu sét, vậy sét là cái chi chi mà ghê vậy ??

 

– Sét/tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa [các đám mây – mặt đất] hay giữa [các đám mây mang các điện tích khác dấu], thường xuất hiện trong cơn mưa, cơn dông (thật ra còn 1 số trường hợp có sét nữa nhưng anh Bánh Bao nói ý chính cho gọn)

 

– Khi phóng điện, sét di chuyển với tốc độ khoảng 36.000 km/s (ba mươi sáu ngàn km 1 giây)

 

– Sét là sự di chuyển của các ion nhưng hình ảnh của sét lại do dòng plasma phát sáng tạo ra nên anh em mình có thể THẤY ánh chớp lóe lên trước khi NGHE tiếng sấm vì tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.235 km/h, còn ánh sáng đi được gần 300.000 km/s [aka] 1 tỷ km/h

 

– Trong cơn dông/bão lớn, người ta đo được sét đạt tới nhiệt độ cực đại 30.000 oC, còn bèo bèo cơn giông nhỏ tia sét cũng 5.000 oC. Quái! Vậy 30.000 oC = ba mươi ngàn độ C là sao ta? Có khủng không?

* Anh Bánh Bao tớ xin nói rõ: SẮT là kim loại phổ thông có điểm nóng chảy vào khoảng 1.500 oC, VônFam (Wolfram) là kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao nhất vào khoảng 3.400 oC (do đó người ta hay lấy VônFam làm dây tóc bóng đèn)

* Vậy, chưa cần nói tới 30.000 oC, bèo bèo 5.000 oC đủ chảy SẮT rồi, nếu sét nó quánh trúng mình, da thịt máu mủ của mình có cứng như Sắt không? Có bị cháy không? Câu trả lời là: không bị cháy MÀ BỊ HỎA THIÊU, nhé!

 

– Công suất tia sét là bao nhiêu? Người ta đo được điện thế cực đại của đám mây trong cơn giông lớn vào khoảng 50 triệu vôn, cường độ dòng điện tối đa khoảng 200 ngàn ampe. Nhân số vôn với số ampe, ta thu được công suất tính bằng oat (w). Mình có công thức tính ở dưới (cái này anh Bánh Bao lượm lặt về, có công thức mình cứ bụp thôi)

* Công suất phóng điện = (5*10mũ7 V)*(2*10mũ5 A)/2 = 5.10mũ12 W, tức là bằng 5 TỶ KILÔOAT (KW)! Má ơi! 1 con số siêu lớn, siêu to khổng lồ!
* Anh em cũng cần biết liên quan giữa HP (Horse Power): mã lực và KW nhé: 1 HP = 0.75 KW = 1 mã lực.
* Nếu có 5 TỶ KW, thì mình sẽ có 5 TỶ KW / 0.75 KW * 1 HP = 6.7 TỶ HP.
* 1 chiếc xe đua F1 có giới hạn cực đại là 1000 HP, vậy mình sẽ có sương sương 6 triệu chiếc xe đua F1 với công suất cực đại chạy cùng 1 lúc.
Nói vậy để anh em thấy công suất tia sét nó khủng đến như thế nào! Bị nó quánh trúng.. à đừng nghĩ nhé!

 

– Sét có thể gây thương tích bằng những cách thức sau:
* Sét đánh thẳng vào vị trí mình đứng từ trên trời (đám mây) xuống. ĐÙNG! (Khét khét)
* Khi mình đứng cạnh vật bị sét đánh. Sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật, gọi là sét đánh ngang. ĐOÀNG! (Khét khét)
* Sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh. XẸT XẸT! (Khét khét)
* Điện thế bước. Khi người tiếp xúc với mặt đất bị sét đánh. TẠCH! (Khét khét)
* Sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm, dây dẫn… XẸT XẸT – TẠCH – ĐÙNG! (Khét khét)

 

– Theo thống kê thì sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì… 0 có ai sống! Sét đánh tiếp xúc hay tạt ngang cũng rất nguy hiểm. Khi sét đánh xuống cây, thì 1 tia sét có thể giết chết ngay vài chục người xung quanh. Độ nguy hiểm phụ thuộc vào bản chất của vật bị sét đánh và vị trí tương đối với nạn nhân. Chết do điện thế bước nhẹ hơn. Trong một số trường hợp năng lượng tia sét mạnh, không tiêu tán ngay tại chỗ mà truyền theo mặt đất và khi nạn nhân đứng trên đường truyền đó có thể bị liệt vĩnh viễn. Sét lan truyền xuất hiện khi nạn nhân nói chuyện điện thoại, cầm vào các dây cáp, dây anten dẫn từ ngoài vào (trời mưa gió đừng tám nhiều nha anh em)

 

 

 

 

– ƯU TIÊN CỦA TIA SÉT:
* 1ST ƯU TIÊN: ĐÁNH VÀO ĐIỂM CAO NHẤT (BẤT CHẤP NÓ CÓ DẪN ĐIỆN HAY KHÔNG)
* 2ND SAU ĐÓ TỚI NHỮNG VẬT CHẤT THU HÚT TIA SÉT NHƯ SẮT, THÉP, NƯỚC, ĂNGTEN, NHỮNG ĐƯỜNG DÂY DẪN ĐIỆN, THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ…

 

– Do đó, người ta hay khuyên trời mưa đi giữa đồng đừng trú mưa dưới cái cây, vì sao? Vì cái cây nó cao hơn mình, nó không dẫn điện, nhưng sét sẽ ưu tiên đánh nó trước, mình núp vô mình sẽ “hưởng” ké sét đó!
Link sét đánh LandMark81 nè pà con (ai biểu cao nhất chi! ahihi)

https://www.youtube.com/watch?v=_gffx7KPwck

 

– Do đó, khi setup nhà bạt hoặc sân khấu outdoor vào mùa mưa (dễ có sét đánh), mà mình nhận thấy chỗ mình setup nhà bạt / sân khấu nếu lên hết cao độ dàn khung sẽ là nơi cao nhất, thì lập tức phải nói nhà sụp thi công nhà bạt lắp ngay hệ cột thu lôi

 

– Còn mình làm sân khấu / nhà bạt trong sân vận động, ví dụ như svđ QK7, vì sao không làm cột thu lôi? Bởi vì, dù cái nhà bạt / sân khấu của mình lên cao bao nhiêu cũng không thể lên cao hơn nóc sân QK7 và các kết cấu cao tầng khác đầy xung quang cái chỗ đó! Xin nhắc lại, là nếu mình làm outdoor, mà nhận thấy cao độ của nóc nhà bạt / sân khấu khi lên hết dàn khung mà cao nhất khu vực đó (không có gì cao hơn sân khấu / nhà bạt của mình) thì mình mới cần làm hệ cột thu lôi nha!

 

– Link setup hệ thu lôi gắn vào nhà (cái này có thể ứng dụng trong setup hệ cột thu lôi tạm thời cho khu vực tổ chức sự kiện nha):
https://youtu.be/o8gsRNbBgdo

—-> Túm lại, hệ cột thu lôi quan trọng và rất cần thiết đối với setup sân khấu / nhà bạt outdoor mùa mưa, nếu không muốn bị sét đánh! Anh em xin lưu ý điểm này nhen

..

 

2. Cần gia cố kỹ, đóng cọc căng cáp hoặc có tank nước làm đối trọng níu giữ kết cấu sân khấu / nhà bạt. Nhà bạt / sân khấu làm outdoor vào mùa mưa bão không nên cao quá 15m

@ Về chiều cao của nhà bạt/sân khấu:

– Khi cả nhà mình setup sân khấu hay nhà bạt outdoor mùa mưa, không nên làm nhà bạt / sân khấu cao quá 15m! Cái này là anh Bánh Bao được mấy đại ca chỉ bảo và kinh nghiệm bản thân mình nghiệm ra.

 

– Nhiều em út chưa hiểu cao 15m có cao lắm không, xin mời xem video anh Bánh Bao có đính kèm nhé. 9m thôi là cao lắm rồi, nhìn người ở dưới bé xíu xiu!

 

– Cao quá cũng bất lợi cho việc thi công mà gây nguy hiểm cho người thi công, vì mùa mưa thường có gió to, chưa kể bị sét đánh vì kết cấu cao (như đã nói ở trên)

@ Về việc dùng cáp, đóng cọc hoặc tank nước để neo giữ kết cấu sân khấu / nhà bạt: mời cả nhà xem hình đính kèm sẽ hiểu ngay!

 

 

3. Xem dự báo thời tiết (phương pháp khoa học) / hỏi người dân sống gần khu vực tổ chức sự kiện (phương pháp dân gian)

@ Xem dự báo thời tiết là 1 trong những phương pháp khoa học mà cả nhà mình nên áp dụng nhé. Bạn chỉ cần search GG: dự báo thời tiết là nó ra 1 lốc các trang dự báo thời tiết.
 

Tuy vậy, tra thông tin dự báo thời tiết có 1 nhược điểm: đó là chỉ dự đoán ngắn, thường chỉ 7 – 14 ngày đổ lại, muốn dự báo trước 1 tháng hoặc 2 tháng thì pó tay!

@ Hỏi người dân sống gần khu vực diễn ra sự kiện mà mình vẫn gọi là phương pháp dân gian là 1 cách ok nhất, tuy nhiên, mình phải có niềm tin à nha, vì lời bà con nói không có cơ sở kiểm chứng, chỉ là kinh nghiêm dân gian thôi!

 

Hồi 2006, hình như là tháng 3 (vì lâu quá rồi), anh Bánh Bao mình có làm 1 cái sự kiện ở Phú Mỹ – Bà Rịa, khi đi khảo sát lần cuối thì trời nắng cháy da, nắng và nóng, mình ở đó 2 ngày trời đều nắng. Bữa ra về, xe chạy ngang qua chỗ dự kiến làm sự kiện (là 1 cái nhà máy đang sắp khánh thành), anh em có xuống tia 1 vòng rồi lên xe về. Anh em trong team đi qua đi lại, có buộc miệng nói “trời nắng vậy bụi lắm, chắc phải thuê mấy cái xe phun nước làm sạch bụi, mưa gì nổi!” – tình cờ ngay trúng bác bảo vệ nhà máy đứng gần đó. Bác bảo vệ nói ngay “mưa đó nha, mà mưa lớn, nắng vậy thôi chứ tầm 2 tuần nữa mưa cho coi”, nghe xong tụi mình lại hỏi bác, với vẻ nghi ngờ “mưa hả chú, có mưa hông? Trời nắng vậy mà…”. Sau đó thì công ty chỉ xem lời của bác bảo vệ đó “cho vui” thôi. Ngày setup, vì trời vẫn còn nắng – đúng như team đi khảo sát, nên bọn mình vẫn đặt 2 cái xe phun nước để làm “mát” khuôn viên. Còn 3 ngày nữa là sự kiện diễn ra, trời tự nhiên mưa – mưa triền miên – mưa như điên, má ơi, lời bác bảo vệ bắt đầu linh nghiệm, bọn mình phải liên hệ để dừng lại việc thuê xe phun nước, mà nào có được, vì hợp đồng ký rồi – hic – sau đó, đường sá bắt đầu lầy ra, bọn mình phải thuê 4 cái xe đánh golf chở khách lẻ đi vào khu vực làm sự kiện, phải trải thêm cát, đá dăm… nói chung mọi kế hoạch bị đảo lộn. 2006 mạng 3g còn chưa có làm sao tra cứu thông tin, lúc đó làm sự kiện làm thì cứ làm thôi! Hehe. Biết trước vậy, nghe lời bác bảo vệ là ngon!

 

@ Cách thứ 3: kết hợp vừa xem dự báo thời tiết vừa hỏi “chuyên gia địa phương” là hay nhất, nó sẽ bổ sung cho nhau!

 

 

 

 

4. Khảo sát địa điểm tổ chức kỹ thật kỹ nếu làm sự kiện outdoor trong mùa mưa. Khảo sát cái gì?

@ Khi làm ở khu vực nào trống trải, cần khảo sát trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40 – 50 km/giờ.

 

@ Phải khảo sát xem các vị trí xung quanh nơi dự kiến setup sân khấu / nhà bạt, có kết cấu nào cao hơn đỉnh nhà bạt / sân khấu của mình hay không. Nếu có kết cấu cao hơn thì không sao, nếu mình là cao nhất thì phải buộc có hệ cột thu lôi (đã nói ở trên)

 

@ Khảo sát các khu vực lân cận, có nhà cao tầng, có các ông trình phụ trợ hay không, có đồi núi hay kết cấu nào khác để có thể setup hệ cột thu lôi không

 

@ Cần khảo sát nền đất nơi thi công nhà bạt / sân khấu dự kiến. Nền đất cứng hay mềm. Nếu nền đất mềm mà ít tiền thì đóng cọc căng cáp, nếu tiền có dư 1 ít thì dùng tank nước sẽ thẩm mỹ hơn. Nếu nền đất cứng, không đóng cọc được buộc dùng tank nước.

 

@ Khảo sát xem gió thổi hướng nào, không nên làm sân khấu có lưng nằm ở hướng chắn gió, vì gió thổi mạnh có thể gây sập sân khấu, sập màn hình, sập backdrop sân khấu. Nếu buộc làm sân khấu có lưng ở hướng chắn gió thì phải gia cố chắc chắn. Muốn biết hướng gió, có 2 cách: 1 là hỏi “chuyên gia địa phương” đặc biệt làm sự kiện ở miền biển, gần sông nước hỏi dân địa phương là hay nhất, 2 là mình cầm 1 cái khăn mỏng, cột vô cái cây đưa lên cao, gió thổi chiều nào nhìn thấy ngay. (Không nên lấy tay chấm nước miếng rồi “dơ” lên nha, mất vệ xin lúm!)

 

 

5. Huấn luyện nhân sự về việc phòng tránh bị sét đánh khi làm outdoor mùa mưa
Bên cạnh làm tốt 4 cái trên, anh em mình cần huấn luyện và chia sẻ thông tin đến team và các bộ phận thực hiện sự kiện outdoor mùa mưa – để tránh bị sét đánh nha:

 

@ Chia sẻ cho mọi người biết chỗ trú mưa an toàn và gần nhất, tính kỹ thời gian di chuyển tối đa khi có mưa đến nơi trú mưa an toàn.

@ Thực hiện quy tắc NHÌN – NGHE:
* Nói rõ để cả nhà hiểu về trình tự sét đánh như sau nhé: Ánh chớp lóe trên bầu trời / Tiếng sấm / Tia sét đánh xuống
* Khi trời mưa lớn, đầu tiên mình thấy ánh chớp lóe lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo, tia sét đánh cuối cùng. Nếu mình đếm được thời gian từ lúc ánh chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách tới nơi tia sét đánh xuống. Chia số giây cho 3 ta được khoảng cách đến tia sét. (3 là 1 hằng số ảo diệu, người ta tính ra rồi, mình bụp thôi). Ví dụ đếm được 30 giây thì sét sẽ đánh cách vị trí đứng là 30/3= 10 km. Nên nhớ rằng nếu như khoảng thời gian bạn đếm được từ khi thấy ánh chớp và nghe tiếng sấm nhỏ hơn 30 giây, thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận. Nếu thời gian này nhỏ hơn 10 giây thì phải di chuyển GẤP đến nơi an toàn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa từ 15 – 20 km.

 

* Vấn đề quan trọng, là bạn cần phải nhìn thấy ánh chớp lóe lên bầu trời, nếu bạn không thấy ánh chớp lóe lên do vô ý hay do bận tâm việc khác, thì khi nghe tiếng sấm, lập tức chạy ngay đến chỗ trú mưa an toàn

 

@ Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy móc, hàng rào sắt…

 

@ Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp hơn, hoặc chùng gối xuống hạ thấp cao độ bản thân

 

@ Người ở vị trí càng thấp càng tốt. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất

 

@ Ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

 

@ Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ô tô không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc

 

@ Túm lại:
• Không nên:
Đứng gần vật cao, gần nước, gần cây, gần xe cộ, tại các nơi cánh đồng trống trải, anten, cột cao, gần những đường dây dẫn.
• Nên:
o Nhìn dấu hiệu báo dông (mây đen, gió lạnh…),
o Nghe dự báo thời tiết khi có ý định đi ra ngoài.
o Hạ thấp vị trí. Không nằm trên đất.
o Biết trước nơi an toàn gần nhất và thời gian đi tới đó.

 

Hy vọng những điều anh Bánh Bao mình biết về cái này giúp ích cho anh em làm nghề trong mùa mưa bão nhen!
Anh Bánh Bao xin cảm ơn nhiều!”

 

Nguồn: FB Anh Bánh Bao